25 tháng 6, 2013

Khống chế chi phí quảng cáo “bóp chết” cạnh tranh

Thông tin:

Rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn mở rộng sản xuất, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài nhưng lại bị "kìm kẹp” bởi quy định khống chế chi phí quảng cáo. 

Riêng với ngành đồ uống, nếu chi phí quảng cáo
bị khống chế sẽ gây khó cho các DN
                                                                Ảnh : T.L 

Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) quy định mức chi phí quảng cáo khuyến mại được khấu trừ chỉ được tăng từ 10% hiện nay lên 15%. Bên cạnh đó, các loại chi phí bị khống chế không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng DN, dự thảo luật này vẫn "không ổn”!

Đứng ở góc độ DN, PGS. TS Phan Đăng Tuất- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, DN Việt Nam không thể cạnh tranh để bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng nếu bị khống chế chi phí quảng cáo.

Ông Phan Đăng Tuất cho biết, mức này chỉ dùng để thuê quảng cáo trên tivi, kêu gọi tài trợ, thuê truyền thông...  "Quy định này góp phần vào việc "tiêu diệt” DN Việt Nam. Làm sao có thể chinh phục được người tiêu dùng nếu không truyền thông, quảng cáo?”, ông Phan Đăng Tuất nói. Theo đó, có 3 điểm bất hợp lý ở quy định này. Một là kỳ tính chi phí quảng cáo, truyền thông phải căn cứ vào quyết toán thuế trong kỳ đến 31-3 năm sau. Một số DN lớn còn kéo dài đến đầu tháng 4 năm sau. Như vậy, các tháng đầu năm, DN băn khoăn không biết liệu năm nay sẽ được chi bao nhiêu cho quảng cáo truyền thông. Hai là về kỹ thuật, không ai còn quản lý chi phí dựa trên chi phí. "Ở  thời kỳ hội nhập với hàng rào thuế quan khác nhau, quản lý dựa trên chi phí là sai đối tượng, mà phải quản lý ở doanh thu. Quản lý bằng chi phí sẽ khuyến khích DN đẩy chi phí lên để được quảng cáo. Riêng với ngành đồ uống, nếu chi phí quảng cáo bị khống chế sẽ gây khó cho các DN.

Phần lớn ý kiến của các DN đều cho rằng, khống chế chi phí quảng cáo sẽ khiến cho DN ngoại lấn át DN nội. Bà Đinh Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: "Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia vốn lớn. Như vậy họ sẽ quảng cáo mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra DN nước ngoài thường dành từ 20-30% doanh thu cho chi phí quảng cáo, truyền thông và các hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, sản phẩm của họ tràn ngập thị trường. Và một khoản không nhỏ doanh thu của họ tại thị trường Việt Nam lại trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước.

Báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế-Tài chính thực hiện điều tra tại 300 DN thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy, tổng số chi phí quảng cáo chưa được tính vào chi phí của 300 DN điều tra có giá trị lớn, năm 2009 đạt tới 336,4 tỷ VNĐ chiếm khoảng 0,1% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Đây thường là những khoản chi chưa có đủ chứng từ hợp lệ hoặc những khoản chi này đã có chứng từ hợp lệ nhưng DN thấy tổng số chi phí quảng cáo vượt quá mức trần bị khống chế nên chủ động không đưa vào chi phí để tính thuế TNDN. Tình trạng những khoản chi như vậy không được hạch toán vào chi phí đã làm giảm lợi nhuận của DN và gây khó khăn cho công tác hạch toán, kiểm soát nội bộ DN.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN muốn tồn tại và phát triển phải luôn cải tiến mẫu mã, cho ra đời sản phẩm mới. Để người tiêu dùng biết được thông tin này, không còn cách nào khác là phải quảng cáo, truyền thông. Và như vậy, không thể trách người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại khi hàng ngày, hàng giờ họ được tiếp nhận thông tin từ các DN đầu tư nước ngoài. Quy định này cần được bãi bỏ càng sớm càng tốt thay vì kiến nghị nâng mức trần chi phí này lên 15%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo thông lệ thế giới, chi phí quảng cáo thường được coi như là một chi phí hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh và được xem xét tính trừ khi xác định thu nhập tính thuế DN. Trong khi đó, ở Việt Nam, khoản này được tính giảm trừ không vượt quá khoảng 1/11 tổng số chi phí được trừ của DN khi tính thuế TNDN. Trong khi đó, các DN nước ngoài có tính chuyên nghiệp cao, nguồn tài chính dồi dào lại bạo tay chi cho hoạt đông quảng cáo. Như vậy, vô hình trung việc khống chế trần chi phí quảng cáo thấp khiến các DN Việt Nam khó tiêu thụ hàng hoá, giảm sự cạnh tranh. 

Vân Hằng
Nguồn tin: http://daidoanket.vn
Kế toán 7E
Tags:
0 Nhận Xét
G+ Nhận Xét
Nhận Xét

Đăng nhận xét