Hiển thị các bài đăng có nhãn Tài chính. Hiển thị tất cả bài đăng

14 tháng 6, 2014

Bốn bước để kiểm soát việc lưu chuyển dòng tiền trong doanh nghiệp

Tiền là “vua” đổi với công tác quản lý tài chính của bất kỳ doanh nghiệp đang phát triển nào. Khoảng cách giữa thời điểm thanh toán cho nhà cung cấp và nhân viên với thời điểm thu hồi được các khoản công nợ là một vấn đề lớn, và giải pháp là quản lý thật tốt các dòng tiền ra vào.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, quản lý dòng tiền là trì hoãn các khoản chi đến mức có thể trong khi tăng cường thu hồi nhanh chóng các khoản phải thu.



Tính toán và dự đoán kỹ lưỡng các dòng tiền trong tương lai
Lập các Dự báo về dòng tiền cho năm tới, quý tới và thậm chí cho tuần tới nếu công ty đang trong tình trạng khó khăn về khả năng thanh toán. Dự báo chính xác về dòng tiền sẽ giúp công ty nhận thức được những khó khăn về tiền trước khi nó xảy ra.

Cẩn phải hiểu rằng dự báo về dòng tiền không phải là cái nhìn thoáng qua về tương lai. Dự báo về dòng tiền phải là những dự đoán có căn cứ, dựa trên cân đối giữa nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: việc thanh toán của khách hàng trong quá khứ, dựa trên tính toán kỹ lưỡng về những khoản sắp phải chi, và khả năng yêu cầu thanh toán của nhà cung cấp. Các dự đoán được dựa trên giả định rằng khách hàng sẽ thanh toán trong cũng một khoảng thời gian giống như những lần thanh toán trước đó, nhà cung cấp sẽ cho phép gia hạn thanh toán tương tự như những lần nhập hàng trước đó. Và các khoản chi thường bao gồm chi đầu tư nâng cấp tài sản, chi lãi vay, các khoản chi cần thiết khác, và các khoản doanh thu thường được dự kiến dựa theo tính chất mùa vụ.

Hãy bắt đầu việc dự đoán dòng tiền bằng việc cộng số dư tiền tại thời điểm đầu kỳ với các khoản tiền dự kiến thu được từ các nguồn khác nhau. Để làm việc đó, bạn sẽ thu thập các thông tin từ phòng kinh doanh, đại diện bán hàng, kế toán công nợ và từ phòng tài chính. Đối với tất cả các thông tin này, bạn sẽ đặt ra cùng một câu hỏi: Bao nhiêu tiền sẽ thu được từ khách hàng, từ lãi tiền gửi, phí dịch vụ, một phần từ các khoản nợ khó đòi, và từ các nguồn khác, và khi nào thì thu được?

Bước thứ hai để dự báo chính xác dòng tiền là những hiểu biết về số tiền phải chi và thời điểm chi. Điều đó không chỉ có nghĩa là khi nào phải chi mà còn là chi cho cái gì? Hãy liệt kê các khoản phải chi, bao gồm chi phí thuê, nhập hàng, tiền lương và thuế phải trả hoặc các khoản phải trả khác như chi phúc lợi, mua dụng cụ, thuê tư vấn, đồ dùng văn phòng, trả nợ, quảng cáo, sửa chữa tài sản, nhiên liệu và chi lợi tức,…

Cải thiện các khoản thu
Nếu công ty được khách hàng thanh toán ngay sau khi giao hàng, công ty sẽ không bao giờ gặp vấn đề về dòng tiền. Nhưng thật không may, điều đó khó có thể xảy ra, do vậy công ty cần cải thiện các khoản thu thông qua việc kiểm soát tốt các khoản công nợ phải thu khách hàng. Vấn đề cơ bản là cải thiện được tốc độ từ đưa vật tư, nguyên liệu vào sản xuất hàng hoá, cải thiện tốc độ bán hàng, và tốc độ thu tiền. Sau đây là một số gợi ý cụ thể về việc này:
• Cung cấp các khoản chiết khấu thanh toán cho khách hàng, để khuyến khích họ thanh toán sớm tiền hàng;
• Yêu cầu khách hàng trả trước một phần tiền hàng tại thời điểm đặt hàng;
• Yêu cầu séc tín dụng đối với tất cả các khách hàng mua chịu;
• Tìm mọi cách thanh lý hàng tồn đọng lâu ngày;
• Phát hành hoá đơn kịp thời và đốc thúc thanh toán nếu khách hàng chậm trễ;
• Theo dõi các đối tượng khách hàng nợ để phát hiện và tránh những khoản nợ tồn đọng;
• Thiết lập chính sách tín dụng thay vì từ chối giao dịch với các khách hàng chậm thanh toán.

Quản lý các khoản công nợ phải trả

Tăng trưởng doanh thu có thể che đậy rất nhiều vấn đề, thậm chí là những vấn đề nghiêm trọng. Khi bạn quản lý một công ty đang phát triển, bạn phải kiểm soát các khoản chi một cách thận trọng. Đừng bao giờ tự mãn chỉ với doanh thu tăng. Vào bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nơi nào bạn nhận thấy chi phí tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu, hãy kiểm tra kỹ lưỡng các khoản chi phí để có thể cắt giảm hoặc kiểm soát tốt hơn. Sau đây là một số gợi ý để sử dụng tiền một cách hợp lý:
• Tận dụng hết lợi thế từ những điều khoản mua chịu. Nếu nhà cung cấp yêu cầu thanh toán trong vòng 30 ngày, thì không nên trả trong vòng 15 ngày.
• Nên sử dụng chuyển khoản vào ngày cuối cùng của thời hạn phải thanh toán. Công ty có thể vẫn đáp ứng được yêu cầu của nhà cung cấp đồng thời vẫn có thể sử dụng được khoản tiền đó lâu nhất có thể;
• Đàm phán với nhà cung cấp khi họ không thấy được tình hình tài chính của công ty. Nếu công ty cần trì hoãn thanh toán, cần phải có được sự tin tưởng và thông cảm từ phía nhà cung cấp;
• Xem xét kỹ lưỡng khi chấp nhận thanh toán sớm để được hưởng chiết khấu của nhà cung cấp. Nó có thể có lợi cho công ty nhưng cũng có thể là một thiệt thòi cho công ty khi thanh toán sớm. Cần xem xét chi tiết các điều khoản;
• Không nên luôn luôn lựa chọn những nhà cung cấp có giá thấp nhất. Nhiều khi điều khoản thanh toán mềm dẻo có thể góp phần cải thiện dòng tiền của công ty hơn là mặc cả được giá rẻ.

Để vượt qua thâm hụt ngân sách
Sớm hay muộn, công ty cũng có thể sẽ gặp phải vấn đề về thanh toán. Điều này không có nghĩa là công ty đã thất bại trong kinh doanh. Đó là vấn đề rất bình thường, xảy ra hàng ngày trong hoạt động kinh doanh, và thực tế kinh doanh sẽ giúp công ty kiểm soát và vượt qua được thâm hụt ngân sách.
Chìa khoá để vượt qua sự thâm hụt về tiền là việc nhận biết những vấn đề càng sớm và càng chính xác càng tốt. Các ngân hàng thường cảnh giác đối với những công ty khan hiếm về tiền. Họ thường chỉ thích cho vay khi những công ty chưa thực sự cần tiền, khoảng một tháng trước khi công ty cần tiền để chi tiêu. Nếu công ty không phát hiện và dự đoán được sự thâm hụt ngân sách, ngân hàng rất khó có thể cho công ty vay khi công ty đang lâm vào tình trạng thâm hụt.

Nếu công ty dự đoán được sẽ thâm hụt tiền, công ty có thể đàm phán một hạn mức tín dụng với ngân hàng. Điều này cho phép công ty có thể vay tiền khi cần. Thực sự cần thiết khi công ty có được hạn mực tín dụng trước khi gặp phải khó khăn về tiền.

Nếu ngân hàng không cho vay tiền, công ty có thể cầu viện đến nhà cung cấp. Các chủ nợ thường mong muốn công ty tiếp tục tồn tại và kinh doanh để trả tiền hơn là các ngân hàng, và họ có thể hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh của công ty. Công ty có thể có được những điều khoản gia hạn từ nhà cung cấp, đó gần như là những khoản vay chi phí rất thấp. Điều đó chỉ có thể nếu công ty có quan hệ tín dụng tốt trong quá khứ và đã thông báo tình hình tài chính cho nhà cung cấp.

Xem xét sử dụng các công cụ tài chính. Đó là các dịch vụ tài chính như mua nợ, mua các khoản phải thu mà công ty không có khả năng thu hồi trong nhiều tuần hoặc trong nhiều tháng. Công ty có thể mất khoảng 15% các khoản phải thu này, khi công ty mua nợ yêu cầu chiết khấu, nhưng điều đó giúp công ty tránh được những phiền nhiễu khi đòi nợ và có thể là nguồn trang trải cho hoạt động hàng ngày mà không phải vay mượn.

Thúc giục các khách hàng tốt nhất thanh toán. Giải thích cho họ tình hình tài chính và, nếu cần thiết, cung cấp các khoản chiết khấu thanh toán cho họ. Công ty cũng cần đốc thúc những khách hàng chậm thanh toán, những khách hàng đã nhận được hoá đơn nhưng chưa thanh toán sau hơn 90 ngày. Đề nghị chiết khấu nếu họ thanh toán ngay lập tức.

Công ty có thể thu tiền bằng cách bán và tái thuê tài sản nhưng máy móc, thiết bị, máy tính, hệ thống điện thoại và thậm chí bàn ghế văn phòng. Các công ty chuyên cho thuê tài chính có thể thực hiện các giao dịch này. Chi phí không rẻ, và công ty có thể mất các tài sản này nếu không trả được tiền thuê.
Lựa chọn thanh toán các hoá đơn một cách thận trọng. Đừng chỉ thanh toán các khoản nhỏ nhất và bỏ qua các khoản khác. Hãy thanh toán lương cho nhân viên trước, nếu không có thể họ sẽ nghỉ việc. Tiếp theo hay thanh toán cho những nhà cung cấp thiết yếu. Hỏi các nhà cung cấp còn lại xem công ty có thể trì hoãn thanh toán hoặc thanh toán trước một phần.

Phan Tuấn Nam
(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào
Tags:

03 tháng 10, 2013

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2013



Nâng mức trợ cấp cho người có công; trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên; lao động xuất khẩu bỏ trốn phạt đến 100 triệu đồng và một loạt các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2013.Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp.


Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/10/2013. Luật quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.

Theo quy định của Luật, Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...

Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng

Nghị định 101/2013/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực từ 20/10/2013. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng, thay vì mức 1.110.000 đồng như tại Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện nay.

Cùng với việc nâng mức chuẩn, Nghị định 101/2013/NĐ-CP cũng nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.

Cụ thể, thân nhân của 1 liệt sĩ sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng là 1.220.000 đồng/tháng (quy định hiện hành là 1.110.000 đồng). Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là  2.440.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 3.660.000 đồng/tháng (Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên là 1.983.000 đồng/tháng).

Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ; đồng thời, được hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng (hiện nay là 931.000 đồng).

Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên.

Theo Quyết định 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên trong lương hưu có hiệu lực từ 15/10/2013, đối tượng áp dụng là nhà giáo nghỉ hưu đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nhà giáo nêu trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ 3 điều kiện.

Thứ nhất, có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên.

Thứ hai, nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.

Thứ ba, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Theo Quyết định, mức trợ cấp một lần bằng tiền, được xác định theo công thức: Số tiền trợ cấp = (lương hưu hằng tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.

Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm 15/10/2013.

Phụ cấp thâm niên nghề dự trữ quốc gia.

Theo Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia, công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Người làm công tác dự trữ quốc gia nêu trên có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.

Được sử dụng tạm thời một phần hè, đường để trông xe.

Chính phủ ban hành Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bổ sung quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe.Cụ thể, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Vị trí hè phố, lòng đường được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: 1- Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; 2- Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cho một chiều đi; 3- Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2013.

Không mặc áo phao phạt đến 200.000 đồng.

Theo Nghị định 93/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa có hiệu lực từ 15/10/2013, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng.

Lao động xuất khẩu bỏ trốn phạt đến 100 triệu đồng.

Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.

Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm...

Nghị định có hiệu  lực thi hành từ 10/10/2013.

Quy định mức xử phạt hành chính về kinh doanh bảo hiểm, xổ số.

Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số có hiệu lực từ 15/10/2013, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm với mức phạt lên tới 100 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.

Vi phạm chất lượng xăng dầu sẽ bị phạt đến 2,5 lần giá trị hàng hóa.

Theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực từ 10/10/2013, hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.Trong đó, với hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường phạt tiền từ 1-1,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với hành vi tồn trữ, vận chuyển xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Phạt tiền từ 1,5-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với một trong các hành vi vi phạm: Pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Vi phạm về sở hữu công nghiệp, phạt tới 500 triệu đồng.

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ 15/10/2013, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ (vì mục đích kinh doanh) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng.

Phạt tiền từ 2-250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3 triệu đến trên 500 triệu đồng.

Điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng.

Theo Thông tư số 125/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, được thực hiện từ 14/10/2013, hỗn hợp các chất thơm và các hỗn hợp (kể cả dung dịch cồn) với thành phần chủ yếu gồm một hoặc nhiều các chất thơm này, dùng làm nguyên liệu thô trong công nghiệp; các chế phẩm khác làm từ các chất thơm, dùng cho sản xuất đồ uống loại khác có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 8%.

Các chế phẩm hóa chất khác, dùng trong chế biến thực phẩm có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 6%.

Mặt hàng Natri hydrogencarbonat (natri bicarbonat), axit benzoic, muối và este của nó có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 0% lên 5%.

Phí công bố nội dung đăng ký DN 300.000 đồng/lần .

Theo Thông tư số 106/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 176/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, từ ngày 1/10/2013, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng/lần.

Tăng lệ phí thẩm định băng, đĩa ca nhạc.

Theo Thông tư 121/2013/TT-BTC, từ ngày 15/10/2013, mức thu lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình; phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác được điều chỉnh tăng so với hiện hành.

Trong đó, mức thu phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên các vật liệu khác, như sau: Chương trình ca múa nhạc, sân khấu ghi trên băng đĩa, mức phí là  150.000 đồng/block (Một block có độ dài thời gian là 15 phút) thay mức 70.000 đồng hiện nay.

Đối với chương trình ghi trên đĩa nén, ổ cứng, phần mềm và các vật liệu khác, trường hợp ghi dưới hoặc bằng 50 bài hát, bản nhạc, mức phí hiện tại là 700.000 đồng sẽ tăng lên mức 1.500.000 đồng/chương trình. Nếu ghi trên 50 bài hát, bản nhạc mức phí sẽ là 1.500.000 đồng/chương trình + mức phí tăng thêm là 50.000 đồng/bài hát, bản nhạc. Tổng mức phí không quá 4.000.000 đồng/chương trình. (Mức phí hiện đang áp dụng là: 700.000 + mức phí tăng thêm là 10.000/bài hát, bản nhạc; tổng mức phí không quá 2.000.000/một chương trình).

Theo Baodientu.chinhphu.vn
Không có nhận xét nào
Tags:

25 tháng 6, 2013

Khống chế chi phí quảng cáo “bóp chết” cạnh tranh

Rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn mở rộng sản xuất, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài nhưng lại bị "kìm kẹp” bởi quy định khống chế chi phí quảng cáo. 

Riêng với ngành đồ uống, nếu chi phí quảng cáo
bị khống chế sẽ gây khó cho các DN
                                                                Ảnh : T.L 

Dự thảo mới nhất Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) quy định mức chi phí quảng cáo khuyến mại được khấu trừ chỉ được tăng từ 10% hiện nay lên 15%. Bên cạnh đó, các loại chi phí bị khống chế không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng DN, dự thảo luật này vẫn "không ổn”!

Đứng ở góc độ DN, PGS. TS Phan Đăng Tuất- Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, DN Việt Nam không thể cạnh tranh để bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng nếu bị khống chế chi phí quảng cáo.

Ông Phan Đăng Tuất cho biết, mức này chỉ dùng để thuê quảng cáo trên tivi, kêu gọi tài trợ, thuê truyền thông...  "Quy định này góp phần vào việc "tiêu diệt” DN Việt Nam. Làm sao có thể chinh phục được người tiêu dùng nếu không truyền thông, quảng cáo?”, ông Phan Đăng Tuất nói. Theo đó, có 3 điểm bất hợp lý ở quy định này. Một là kỳ tính chi phí quảng cáo, truyền thông phải căn cứ vào quyết toán thuế trong kỳ đến 31-3 năm sau. Một số DN lớn còn kéo dài đến đầu tháng 4 năm sau. Như vậy, các tháng đầu năm, DN băn khoăn không biết liệu năm nay sẽ được chi bao nhiêu cho quảng cáo truyền thông. Hai là về kỹ thuật, không ai còn quản lý chi phí dựa trên chi phí. "Ở  thời kỳ hội nhập với hàng rào thuế quan khác nhau, quản lý dựa trên chi phí là sai đối tượng, mà phải quản lý ở doanh thu. Quản lý bằng chi phí sẽ khuyến khích DN đẩy chi phí lên để được quảng cáo. Riêng với ngành đồ uống, nếu chi phí quảng cáo bị khống chế sẽ gây khó cho các DN.

Phần lớn ý kiến của các DN đều cho rằng, khống chế chi phí quảng cáo sẽ khiến cho DN ngoại lấn át DN nội. Bà Đinh Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: "Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia vốn lớn. Như vậy họ sẽ quảng cáo mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra DN nước ngoài thường dành từ 20-30% doanh thu cho chi phí quảng cáo, truyền thông và các hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, sản phẩm của họ tràn ngập thị trường. Và một khoản không nhỏ doanh thu của họ tại thị trường Việt Nam lại trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước.

Báo cáo khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế-Tài chính thực hiện điều tra tại 300 DN thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cho thấy, tổng số chi phí quảng cáo chưa được tính vào chi phí của 300 DN điều tra có giá trị lớn, năm 2009 đạt tới 336,4 tỷ VNĐ chiếm khoảng 0,1% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Đây thường là những khoản chi chưa có đủ chứng từ hợp lệ hoặc những khoản chi này đã có chứng từ hợp lệ nhưng DN thấy tổng số chi phí quảng cáo vượt quá mức trần bị khống chế nên chủ động không đưa vào chi phí để tính thuế TNDN. Tình trạng những khoản chi như vậy không được hạch toán vào chi phí đã làm giảm lợi nhuận của DN và gây khó khăn cho công tác hạch toán, kiểm soát nội bộ DN.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN muốn tồn tại và phát triển phải luôn cải tiến mẫu mã, cho ra đời sản phẩm mới. Để người tiêu dùng biết được thông tin này, không còn cách nào khác là phải quảng cáo, truyền thông. Và như vậy, không thể trách người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại khi hàng ngày, hàng giờ họ được tiếp nhận thông tin từ các DN đầu tư nước ngoài. Quy định này cần được bãi bỏ càng sớm càng tốt thay vì kiến nghị nâng mức trần chi phí này lên 15%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, theo thông lệ thế giới, chi phí quảng cáo thường được coi như là một chi phí hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh và được xem xét tính trừ khi xác định thu nhập tính thuế DN. Trong khi đó, ở Việt Nam, khoản này được tính giảm trừ không vượt quá khoảng 1/11 tổng số chi phí được trừ của DN khi tính thuế TNDN. Trong khi đó, các DN nước ngoài có tính chuyên nghiệp cao, nguồn tài chính dồi dào lại bạo tay chi cho hoạt đông quảng cáo. Như vậy, vô hình trung việc khống chế trần chi phí quảng cáo thấp khiến các DN Việt Nam khó tiêu thụ hàng hoá, giảm sự cạnh tranh. 

Vân Hằng
Nguồn tin: http://daidoanket.vn
Không có nhận xét nào
Tags: