Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghiệp vụ. Hiển thị tất cả bài đăng

16 tháng 1, 2015

Một số thay đổi trong chính sách thu BHXH, BHYT và BHTN từ ngày 01/01/2015

Kể từ ngày 1/1/2015, chính sách thu BHXH, BHYT và BHTN có nhiều thay đổi, để giúp các đơn vị có thể nắm bắt nhanh các thay đổi, BHXH Tp. HCM đã ban hành công văn số 4064/BHXH-THU ngày 17/12/2014 với nội dung:

Công văn số 4064/BHXH-THU ngày 17/12/2014 về việc một số thay đổi trong chính sách thu BHXH, BHYT và BHTN từ ngày 01/01/2015
Không có nhận xét nào
Tags:

03 tháng 8, 2013

Đưa danh thiếp thế nào cho đúng cách

Trong thế giới doanh nghiệp, danh thiếp đóng vai trò như lý lịch trích ngang của một người. Bạn trao danh thiếp cho ai đó nghĩa là bạn muốn cho họ biết bạn là ai, bạn đang làm việc ở đâu và làm cách nào họ có thể liên lạc với bạn. Tuy nhiên, ít người hiểu rõ vai trò của danh thiếp, họ không nắm bắt đúng thời điểm để trao danh thiếp… để có thể phát huy tối đa hiệu quả của nghi thức khá quan trọng này. 

Khi chúng ta bắt đầu công việc làm ăn kinh doanh, việc thiết kế và in danh thiếp là một trong những việc đầu tiên bạn cần làm. Một danh thiếp thiết kế tinh xảo sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp về bạn với người giao tiếp/đối tác của bạn. 

Nhưng việc đưa danh thiếp đúng lúc và đúng khung cảnh là một nghệ thuật mà không phải ai cũng nắm rõ. Bạn phải xác định đúng người và đúng tình huống để trao danh thiếp:

• Đối tác của bạn là người có vai vế và tuổi tác tương đối cao
Bạn chỉ nên đưa danh thiếp khi đối tác có ý muốn bạn trao danh thiếp cho họ. Tuyệt đối không nên chủ động đưa danh thiếp khi đối tác chưa có ý muốn đó.

• Người giao tiếp của bạn là người xa lạ
Bạn không nên lôi danh thiếp ra ngay khi mới bắt đầu vào câu chuyện. Hành động theo thói quen này sẽ làm phiền người giao tiếp với bạn. Họ cảm thấy như bạn đang muốn “tự quảng cáo bản thân” và sẽ xem thường việc nhận danh thiếp của bạn.

• Khi nhóm họp mặt ít hiểu biết về nhau
Khi nhóm họp mặt gồm những người không biết nhiều về nhau, tốt nhất bạn nên đợi một người trong nhóm đưa danh thiếp ra trước, rồi bạn mới trao lại danh thiếp cho họ.

• Trao danh thiếp khi đi dự tiệc
Nếu bạn tham gia các buổi tiệc quan trọng do cá nhân tổ chức hoặc các buổi tiệc mang tính chất làm ăn, bạn phải nhớ mang danh thiếp theo bên mình. Các buổi tiệc đó là là dịp để bạn giao lưu gặp gỡ các đối tác tiềm năng. Nhưng chỉ trao danh thiếp trước hoặc sau khi dùng cơm.

• Thời điểm trao danh thiếp
Người ta thường trao danh thiếp vào lúc vừa mới gặp nhau hoặc trước khi chào tạm biệt ra về. Nhưng trong trường hợp bạn chuẩn bị phát biểu trước những người chưa biết nhiều về bạn, bạn nên gửi danh thiếp cho những người xung quanh trước khi lên phát biểu vì điều đó sẽ giúp họ biết rõ về bạn hơn.

• Hình thức danh thiếp
Bạn nên xếp danh thiếp ngay ngắn trong hộp đựng danh thiếp và để vào cặp táp. Nếu một danh thiếp bị rách hoặc bị bẩn thì đừng bao giờ bạn trao cho đối tác hay khách hàng. Những danh thiếp đã cũ và bị nhàu thì tốt nhất là bạn vứt chúng đi. 

(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào
Tags:

22 tháng 7, 2013

17 khác biệt trong tư duy của người giàu

Tự tạo ra cuộc đời mình, sẵn sàng đón nhận cơ hội, tham gia cuộc chơi tiền bạc để giành chiến thắng... là những cách nhìn khác biệt so với người nghèo.

Người giàu: Tôi tạo ra cuộc đời tôi.
Người nghèo: Cuộc sống toàn những việc bất ngờ xảy đến với tôi.

Người giàu: Tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng.
Người nghèo: Tham gia cuộc chơi tiền bạc chỉ để không bị thua.

Người giàu: Quyết tâm làm giàu.
Người nghèo: Muốn trở nên giàu có.


Người giàu: Suy nghĩ lớn.
Người nghèo: Suy nghĩ nhỏ.

Người giàu: Tập trung vào các cơ hội.
Người nghèo: Tập trung vào những khó khăn.

Người giàu: Ngưỡng mộ người thành công và giàu có khác.
Người nghèo: Bực tức với những ai thành công và giàu có.

Người giàu: Kết giao với người tích cực và thành công.
Người nghèo: Giao du với người tiêu cực hoặc thất bại.

Người giàu: Sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ.
Người nghèo: Suy nghĩ tiêu cực về bán hàng, quảng bá.

Người giàu: Đứng cao hơn những vấn đề của họ.
Người nghèo: Nhỏ bé hơn những vấn đề của họ.

Người giàu: Rất biết đón nhận.
Người nghèo: Không biết đón nhận.

Người giàu: Chọn được trả công theo kết quả.
Người nghèo: Chọn được trả công theo thời gian.

Người giàu: Suy nghĩ "cả hai".
Người nghèo: Suy nghĩ "hoặc là/ hoặc".

Người giàu: Chú trọng vào tổng tài sản.
Người nghèo: Chú trọng vào thu nhập từ làm việc.

Người giàu: Quản lý tốt tiền của họ.
Người nghèo: Không biết quản lý tốt tiền của họ.

Người giàu: Bắt tiền của họ làm việc chăm chỉ.
Người nghèo: Làm việc chăm chỉ vì tiền của họ.

Người giàu: Hành động bất chấp sợ hãi.
Người nghèo: Để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.

Người giàu: Luôn học hỏi và phát triển.
Người nghèo: Nghĩ họ đã biết hết.

Là một phần trong dự án Học làm giàu phát triển từ năm 2011, bộ tranh "17 tư duy thịnh vượng" được chuyển thể từ nội dung cuốn "Bí quyết Tư duy triệu phú" của tác giả T. Harv Eker. Mỗi tâm thức được chuyển thể thành một bức vẽ riêng, thể hiện rõ thái độ, lập trường của hai nhân vật Giàu và Nghèo.
Không có nhận xét nào
Tags:

09 tháng 7, 2013

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng

Những logo quen thuộc mang nhiều ý nghĩa hơn bạn tưởng

Các thương hiệu lớn trên thế giới có thể chi hàng đống tiền chỉ để tạo ra một biểu tượng, một logo độc đáo cho riêng mình. Logo không chỉ là một biểu tượng của công ty mà còn là những gì cô đọng nhất mà khách hàng muốn nhớ tới. Hàng ngày, chúng ta đều bắt gặp những logo này và có những logo đã quá quen thuộc đến mức "nhìn là biết" như Pepsi, Apple, Coca-cola... Đã có bao giờ bạn tự hỏi, những logo này mang ý nghĩa gì chưa? Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của một số logo thông qua bài viết này nhé.

1. McDonald’s

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

McDonald’s là một thương hiệu lớn trên thế giới và chắc chắn logo đại diện cho họ phải được xem xét kĩ lưỡng, có thể gây ấn tượng với khách hàng. Hầu hết mọi người sau khi nhìn vào biểu tượng này đều nhận ra rằng đó chính là chữ “M” đại diện cho chữ cái đầu của tên công ty. Nhưng về phía McDonald’s, họ lại muốn mang lại cho khách hàng của mình một thông điệp khác. Trước đó, vào những năm 1960, trong nỗ lực muốn xây dựng lại hình ảnh cho mình, công ty đã có đề cập đến việc thay đổi logo mới, đẹp hơn và thu hút hơn. Và họ đã mời Louis Cheskin – một nhà tâm lý học và là một chuyên gia tư vấn thiết kế giúp họ giải quyết vấn đề này. Và gần như ngay lập tức Louis thuyết phục họ hãy giữ lại nguyên bản logo của mình. Bởi theo ông chữ “M” với đường tròn phía trên giúp cho mọi người liên tưởng đến bộ ngực của người phụ nữ và gây cho họ cảm giác đói. Điều này có vẻ khó tin với nhiều người, nhưng chắc chắn sau khi biết điều này, bạn sẽ nhìn chữ “M” đó theo cách hoàn toàn khác.

2. Adidas

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Adidas là một hãng nổi tiếng chuyên sản xuất quần áo thể thao và các phụ kiện, nhưng sản phẩm nổi bật nhất của họ là những đôi giày. Cái tên “Adidas” chính là sự kết hợp giữa chữ cái đầu tiên và chữ cái cuối cùng của người thành lập công ty – Adofl Dassler. Ngay từ những năm tháng đầu tiên của công ty, họ đã rất chú trọng vào vấn đề marketing và biến chữ Adidas cùng 3 đường kẻ sọc đã gần như trở thành biểu tượng đặc trưng của mình. Đến tận ngày nay, mặc dù đã thay đổi logo khá nhiều lần, nhưng mỗi khi khách hàng nhìn thấy 3 đường kẻ sọc, họ đều liên tưởng ngay đến Adidas. Đó quả thực là một thành công lớn với Adidas. Ba đường kẻ sọc nguyên bản của Adidas tạo nên hình tam giác trông như một ngọn núi, tượng trưng cho những thách thức và mục tiêu mà tất cả những vận động viên phải đối mặt và vượt qua.
 
3. Mitsubishi

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Tiền thân của công ty Mitsubishi là một công ty chuyên về chuyển hàng được thành lập bởi Yataro Iwasaki vào năm 1870. Tên Mitsubishi có hai phần :” mitsu” có nghĩa là “ba” và hishi (sau đó trở thành “bishi” ở giữa) có nghĩa là “củ ấu”, một loại củ có hình chữ thập, và sau đó trở thành biểu tượng nổi tiếng của Mitsubishi. Nó còn được hiểu là ba viên kim cương đính với nhau, biểu hiện độ tin cậy, tính toàn vẹn, sự thành công và màu đỏ - màu của logo biểu thị sự tự tin và thu hút khách hàng hơn.
 
4. Google

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Logo của Google được thiết kế khá đơn giản với những màu sắc riêng biệt, không hề có những biểu tượng hào nhoáng nhưng lại có mối liên hệ sâu sắc với hình ảnh của công ty. Trong quá trình tạo ra logo của Google, các nhà thiết kế muốn thể hiện được sự thích thú, sáng tạo mà không bị gò bó bởi những biểu tượng quá cồng kềnh, rối rắm. Ban đầu họ chỉ làm lệch đi một số chữ cái nhưng ý tưởng này đã bị hủy bỏ mà thay vào đó họ tập trung vào chính màu sắc của chúng. Logo hiện tại của họ có màu đỏ, xanh lá và xanh nước biển đều thuộc gam màu cơ bản, nhưng chữ “o” lại thuộc màu vàng thứ cấp. Điều này mang một thông điệp rằng : Google không phải là một công ty thích “chơi đúng luật”.
 
5. Animal Planet

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Logo của kênh truyền hình nổi tiếng Animal Planet đã từng khá đơn giản : chỉ bao gồm một chú voi và Trái Đất thu nhỏ. Sau khi được phát sóng lại vào năm 2008, các nhà sản xuất đã nghĩ đến việc thay thế biểu tượng chú voi – Trái Đất này, thay vào đó là một logo khác hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều người theo dõi hơn. Họ muốn thiết kế một logo phù hợp, thể hiện được sự hoang dã, thiên nhiên mà những chương trình sẽ mang lại cho người xem trong thời gian tới. Và một logo mới của Animal Planet được ra đời. Những chữ cái sắp xếp lộn xộn đại diện cho bản năng , tính hoang dã và màu xanh lá cây mang tới hình ảnh một khu rừng nguyên thủy, thể hiện được nét đặc trưng của Animal Planet.
 
6. Đài phát thanh NBC

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Mọi người đều biết rằng logo của NBC tượng trưng cho một con công nhưng bí mật nằm sau đó thì không phải ai cũng biết. Trong quá trình thiết kế logo, NBC thuộc sở hữu của công ty điện tử Radio Corporation of America (RCA ). Lúc đó, TV màu chỉ mới bắt đầu xuất hiện và RCA đang rất muốn quảng bá dòng sản phẩm mới này đến với công chúng. Và với việc tạo ra một logo màu sắc, nó có thể giúp người xem cảm nhận được sự sống động, một trải nghiệm mới mà TV đen trắng không thể nào đem lại được. Vì vậy, một logo dựa trên màu sắc của con công đã được ra đời, theo đó thể hiện được những màu sắc mới mà những người làm chương trình muốn đem lại. Nhiều người cũng tin rằng, đây là một thủ thuật marketing của RCA khiến nhiều người muốn mua TV màu hơn.
 
7. Amazon.com

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Thoạt nhìn qua, logo của Amazon khá là đơn giản. Nó chỉ bao gồm tên công ty và một mũi tên ở phía bên dưới những chữ cái. Nhưng chính mũi tên đó lại mang nhiều ý nghĩa hơn là một thứ để trang trí. Nó biểu hiện cho những nụ cười của khách hàng sau khi trải nghiệm những điểu thú vị tại Amazon. Bên cạnh đó, mũi tên được bắt đầu từ chữ “a” và kết thúc tại chữ “z”. Điều này thể hiện sự đa dạng trong những sản phẩm từ Amazon. Qua đó, bạn có thể tìm tất cả mọi thứ từ “a” đến “z”, từ những vật dụng nhỏ nhất.
 
8. Pepsi

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Logo của Pepsi chỉ là một vòng tròn đơn giản, nửa trên là màu đỏ, nửa dưới là màu xanh và một dòng màu trắng lượn sóng chạy qua trung tâm. Những màu sắc này đại diện cho lá cờ của nước Mỹ, nhưng ý nghĩa của nó thì lại hoàn toàn khác. Pepsi đã tiêu tốn khá nhiều tiền để thiết kế mẫu logo hiện tại, tuy rằng khá giống với những mẫu trước đó, nhưng điều chỉnh một chút cũng mang lại khá nhiều ý nghĩa đặc biệt. Khi phải thuyết trình về mẫu logo mới này, nhóm thiết kế đã sử dụng đến 27 trang tài liệu giải thích về ý nghĩa của nó. Theo đó, nó đại diện cho từ trường Trái Đất, phong thủy, thuyết tương đối... và nhiều thứ khác nữa.
 
9. LG

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 

Hãng điện tử nổi tiếng Hàn Quốc này cũng có một logo độc đáo không hề kém cạnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tên thương hiệu LG được lồng ghép cách điệu trong hình logo này nhưng một số khác lại phát hiện ra một điều khá thú vị. Khuôn mặt của nhân vật nổi tiếng Pacman ẩn hiện trong đó. Vào thập nhiên 1980, Pacman là một trò chơi điện tử khá phổ biến ở Nhật Bản cũng như ở các nước phương Tây. Và có thể nói, sức ảnh hưởng của trò chơi điện tử này lớn đến nỗi từng có cả một “văn hóa pacman” thời kì đó.
 
10. Fedex

Ý nghĩa thực sự nằm sau những logo nổi tiếng
 
Logo của Fedex chỉ bao gồm tên công ty đó là chữ “Fed” màu tím đậm và chữ “Ex” màu cam đậm. Nhưng chính biểu tượng đơn giản này lại đạt được hàng tá giải thưởng về cho mình. Hầu hết nhiều người không nhận ra khoảng trống giữa chữ “E” và chữ “X” ngẫu nhiên tạo ra một mũi tên. Mũi tên này giúp công ty biểu thị được tốc độ và độ chuyên nghiệp cao mà họ muốn đưa lại cho khách hàng và đó cũng chính là những gì mà các công ty chuyển phát nhanh muốn hướng tới.

Nguồn Genk

Không có nhận xét nào
Tags:

27 tháng 6, 2013

Bàn làm việc càng lớn, nguy cơ gian dối càng cao


Diện tích mặt bàn làm việc càng lớn thì khao khát quyền lực của doanh nhân càng cao, và khao khát ấy có thể thôi thúc họ thực hiện hành vi gian dối.

 Những đồ đạc trong môi trường làm việc có thể tác động tới hành vi và suy nghĩ của người lao động. (Ảnh: lkfurniture.en.alibaba.com)

Andy Yap, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý của Đại học Kinh tế Columbia tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp thực hiện 4 thử nghiệm để xem tác động của môi trường xung quanh đối với cảm giác và hành vi của con người. Các thử nghiệm giúp họ khám phá nhiều điều thú vị.

Chẳng hạn, trong một thử nghiệm, nhóm nghiên cứu yêu cầu người tình nguyện tưởng tượng họ là chủ doanh nghiệp. Sau đó các "chủ doanh nghiệp" làm một bài kiểm tra về mức độ trung thực trong những không gian khác nhau. Kết quả cho thấy không gian làm việc càng lớn thì số lượng hành vi gian dối mà tình nguyện viên thực hiện càng nhiều. Một thử nghiệm khác cho thấy ghế trong xe ô tô càng lớn thì tài xế càng hay phạm luật giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu, Telegraph đưa tin.

Từ lâu giới tâm lý đã biết đồ vật trong môi trường làm việc - như ghế, bàn - có thể tác động tới suy nghĩ và hành động của con người.

“Con người thường không để ý những thay đổi nhỏ trong tư thế của cơ thể do tác động của môi trường xung quanh, song những thay đổi nhỏ ấy vẫn có thể khiến chúng ta trở nên tham lam hơn và sẵn sàng thực hiện hành vi gian dối để đạt mục đích", nhóm nghiên cứu lập luận.

Theo VNE
Không có nhận xét nào
Tags:

26 tháng 1, 2013

Trả lương cao cho nhân viên, doanh nghiệp được hay mất?


 (Ảnh minh họa - nguồn : Internet)

Không phải đến lúc nền kinh tế gặp khó khăn doanh nghiệp mới tìm cách cắt giảm lương nhân viên, mà đây là “cuộc chiến” muôn thuở từ xưa đến nay giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong đó doanh nghiệp thì muốn trả mức lương thấp nhất có thể, ngược lại người lao động luôn muốn hưởng mức lương cao nhất từ doanh nghiệp.
Nếu họ không tìm được điểm chung, hoặc không thể làm cho đôi bên cùng có lợi thì chắc chắn sẽ không có sự hợp tác lâu dài. Nhưng nếu doanh nghiệp biết quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi nhân viên, thì điều gì sẽ xảy ra, họ sẽ được hay mất khi phải hy sinh bớt quyền lợi của mình?
Để không còn những nỗi lo cơm áo gạo tiền
Khi được hỏi lý tại sao Ngân Hàng lại trả lương cao cho nhân viên, một vị lãnh đạo đã trả lời rằng: “những người làm việc trong Ngân Hàng là những người thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc, nếu lương không đủ cho họ sống, thì sẳn tiền trước mắt dại gì mà họ không lấy…” dĩ nhiên đây là một câu trả lời hài hước của vị lãnh đạo vui tính. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy, cũng có nhiều điều đáng để cho ta suy nghĩ.
Một người không thể toàn tâm toàn ý cho công việc nếu như suốt ngày trong đầu chỉ lẩn quẩn nỗi lo cơm áo gạo tiền, một người không thể vừa làm tốt công việc này vừa bươn chải công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Một người không thể toàn tâm toàn ý với công ty khi có thời gian rãnh là họ lân la vào các trang tìm việc để tìm cơ hội mới, đó chính là những mất mát mà doanh nghiệp cứ tưởng rằng mình được khi trả lương thấp cho nhân viên.
Ngược lại một người được hưởng mức lương xứng đáng, họ sẽ làm việc với tinh thần thoải mái, lúc này nỗi lo lớn nhất của họ không phải là cơm áo gạo tiền, mà chính là làm cách nào để tạo nên hiệu quả tối đa cho công việc, để ngày càng thăng tiến. Đây không chỉ là cái lợi của nhân viên, mà sâu xa hơn đây chính là cái lợi to lớn mà doanh nghiệp nhận được khi sở hữu trong tay một đội ngũ nhân viên luôn cố gắng làm việc hết mình.
Không nên vì lợi ích trước mắt
Có nhiều người sau một quá trình làm việc họ nhận ra rằng công sức họ bỏ ra không được đền đáp xứng đáng, và họ yêu cầu tăng lương. Đáp lại lời yêu cầu của họ không ít doanh nghiệp cho rằng không có nhân viên này thì có nhân viên khác, xã hội này thiếu gì người đang cần việc…điều ấy không sai. Tuy nhiên đây thật sự là một sự sai lầm của doanh nghiệp bởi vì xã hội cũng đâu thiếu gì công ty đang cần tuyển nhân sự mới.
Có một thật tế hiện nay cho thấy, thay vì cố gắng giữ lại những người có năng lực làm việc lâu dài, tạo thành một đội ngũ chuyên nghiệp, thì họ lại đi chú trọng vào việc tuyển người mới. Họ vừa mất công \
vừa mất của vì suốt ngày phải đào tạo lại nhân viên mới, đến lúc nhân viên làm được việc thì họ lại ra đi vì mức lương không đủ để giữ chân họ lại. Cứ như vậy doanh nghiệp vô tình trở thành trường đào tạo có trả lương cho nhân viên, đây là một thật tế vẫn đang tồn tại mà không ít doanh nghiệp đang gặp phải.
Công việc là một mối quan hệ cộng sinh, người lao động không thể có việc làm nếu như không có doanh nghiệp. Ngược lại một một doanh nghiệp không thể tồn tại nếu thiếu đội ngũ nhân viên. Để duy trì được mối hợp tác này không ai khác chính doanh nghiệp phải là người cố gắng căn bằng lợi ích giữa mình và người lao động, phải quan tâm hơn đến đời sống đội ngũ nhân viên, từ đó giúp cho họ có động lực phấn đấu, góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được nhiều hơn mất
Trả lương cao cho nhân viên không có nghĩa là đánh đồng tất cả, mà tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Trả lương cao không có nghĩa là doanh nghiệp phải chịu thiệt, mà đơn giản là họ chỉ hy sinh bớt lợi ích của mình để nhân viên có cuộc sống ổn định hơn. Từ đó tạo tiền đề vững chắc cho người lao động yên tâm công tác, điều đó không chỉ thể hiện sự nhìn xa trông rộng mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của các nhà lãnh đạo.
Hơn nữa kinh doanh cũng như một canh bạc, lúc thắng lúc thua. Bạn không thể giữ chân nhân viên của mình lúc khó khăn nếu như trong giai đoạn thuận lợi bạn quá “keo kiệt” với họ. Nhưng ngược lại lúc ăn nên làm ra bạn biết chia sẽ với mọi người, thì những lúc thất bại chính họ sẽ là những người bạn đồng hành tuyệt vời đáng tin cậy. Đó là cái được lớn nhất của doanh nghiệp khi biết cân bằng lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể, một việc làm đôi bên cùng có lợi.
Theo Lê Quyết Kiển
CareerLink.vn
Không có nhận xét nào
Tags:

22 tháng 1, 2013

Nghệ thuật tặng quà cho doanh nhân, sếp

Tặng quà trong giao tiếp thương mại là cả một nghệ thuật, vì nếu biết tặng đúng cách thì món quà sẽ góp phần giúp bạn xây dựng và duy trì mối liên hệ lâu dài. Còn như tặng quà không đúng cách thì lắm khi lại có thể gây tổn hại cho mối quan hệ mà bạn đã dày công vun đắp.


Nhìn trên bình diện quốc tế, ta thấy có hai thái cực trong việc tặng quà: Một đằng thì doanh nhân ở Mỹ, Canada, Úc và châu Âu hấu như không để ý đến. Trong khi đó đối với người Nhật thì việc tặng quà là một điều rất quan trọng. Tại các nước châu Á nói chung thì thông lệ tặng quà nằm giữa hai thái cực này và có chiều hơi thiên về phong cách Nhật Bản.

Tặng quà thế nào mới được xem là thành công? Có lẽ định nghĩa hợp lý nhất của chữ thành công ở đây là khi người nhận vẫn còn nhớ đến bạn và công ty của bạn thật lâu sau khi đã nhận được món quà! Có ba yếu tố quan trọng trong việc tặng quà là:

* Món quà ấy thích hợp ra sao với người nhận.

* Thời điểm trao quà.

* Cách trao quà

Sau đây là một số tiêu chuẩn mà bạn nên lưu ý để tránh những lỗi có thể xảy ra:

1. Trước khi tặng quà, nhất là khi người nhận là nhân viên của một công ty lớn hoặc công ty nước ngoài, bạn nên dành thì giờ tìm hiểu xem công ty ấy có những quy định gì về việc nhận quà biếu hay không. Nhiều công ty đa quốc gia và nhất là những công ty Mỹ, thường rất gắt gao về việc tặng và nhận quà biếu. Họ thường hạn chế giá tiền món hàng mà nhân viên có thể tặng hoặc nhận của khách hàng vì tránh không muốn biến thông lệ quà cáp thành một hình thức hối lộ. Lại có một số công ty hoàn toàn cấm việc quà cáp, trong trường hợp này bạn nên tôn trọng và không nên tặng biếu gì khiến người bạn mình phải gửi trả lại mà như vậy thì sẽ... mất mặt cho cả hai bên.

2. Để chọn một món quà thích đáng, bạn hãy trả lời ba câu hỏi: "Người nhận có thích món quà này không?", "Họ sẽ làm gì với món quà này - nếu là vật lưu niệm thì sẽ chưng ở đâu, và nếu là thứ khác thì sẽ sử dụng như thế nào?", và "Món quà này sẽ khiến người nhận có tăng cảm tình đối với bạn và công ty của bạn không?"

3. Một món quà "chung chung", nghĩa là mang ra tặng ai cũng được, thì dĩ nhiên sẽ không hiệu quả bằng một món quà đặc biệt mà bạn đã chịu khó lựa chọn riêng cho cá nhân người nhận. Do đó bạn nên cố gắng "nặn óc": để nghĩ ra những món quà độc đáo. Cách tốt nhất là nên giữ một sổ ghi nhớ về những người mà bạn có ý định sẽ tặng quà, đặc biệt với những trường hợp mà bạn nghĩ là sẽ khó chọn quà. Nên hỏi thăm bạn bè và người thân của đối tượng về sở thích, hoặc nên ghi nhớ vài chi tiết đặc biệt về họ qua những lần gặp trước đây.

4. Về món quà thì bạn nên chọn những thứ thật "giá trị", tuy nhiên cũng không nên nghĩ rằng giá trị có nghĩa là đắt tiền. Nếu biết cách chọn thì bạn cũng có thể tìm mua dược những món quà rất giá trị mà không phải tốn kém nhiều. Lấy thí dụ qua câu chuyện với một người bạn làm ăn, bạn để ý là người ấy say mê thơ Đường. Thế là trong một chuyến du lịch ngước ngoài, bạn ghé một tiệm sách tìm mua một quyển sách thật đẹp về thơ Đường để tặng. "Của một đồng, công một nén", quyển sách ấy không làm bạn cháy túi, nhưng sẽ là một món quà rất "giá trị" và cam đoan là bạn sẽ được nhớ đến mỗi lần người ấy nhìn lại quyển sách bạn tặng.

5 Thời điểm tặng quà cũng là yếu tố rất quan trọng, do đó bạn nên tặng quà đúng lúc. Chẳng hạn như nên gửi một món quà tặng cho khách hàng ngay sau khi vừa ký xong một hợp đồng, hoặc gửi một món quà cám ơn ngay sau khi ai đó làm một việc gì hết sức đặc biệt để giúp bạn.

6. Thường thì bạn nên trao quà trực tiếp cho người nhận kèm theo vài lời khen ngợi, cám ơn hoặc khuyến khích chân tình vì như thế sẽ tăng giá trị của món quà rất nhiều. Tuy nhiên dù phải gửi quà hay trao quà trực tiếp thì bạn cũng nên kèm theo một lá thư ngắn với những dòng chữ thân tình để món quà trở nên "thắm thiết" hơn.

7. Sau cùng là việc gói quà cũng cần được lưu ý vì tuy đây là một chi tiết nhỏ nhưng cũng là dấu hiệu chứng tỏ bạn để ý đến người nhận.

Ngoài những nguyên tắc tổng quát trên đây, thêm một số điểm khác cũng đáng cần lưu ý:

Ở nước ngoài thì những món quà giao tế thương mại thông dụng nhất là:

* Quà lưu niệm của công ty.

* Sản phẩm điện tử

* Hoa

* Vé xem thể thao hoặc trình diễn văn nghệ

* Thức ăn

* Rượu

* Những vật cần dùng khi đi du lịch

* Đồ trang trí trên bàn làm việc

Nên tránh việc "chở gỗ về rừng", nghĩa là tặng những món quà quá quen thuộc với người nhận, chẳng hạn như tặng rượu vang cho người bạn Pháp, tặng bia cho người Đức, tặng chocolat cho người Thụy Sĩ, trà cho người Tàu và cà phê cho bạn hàng vùng... Buôn Mê Thuột!

Với những đối tác mà bạn muốn tặng quà nhiều lần thì bạn nên chịu khó ghi sổ để nhớ là trước đây mình đã tặng họ những gì. Tặng lại cho ai cùng một món quà thì người ấy sẽ cho rằng mình coi thường họ, và dĩ nhiêu là bạn sẽ bị "bớt điểm" ngay.



Nên để ý tránh không nên tặng những món quà không thích hợp với giá trị văn hóa hay tôn giáo của người nhận. Thí dụ như tặng tượng Phật cho người bạn Thiên Chúa giáo hay ngược lại, hoặc tặng rượu mạnh cho một người bạn Hồi giáo,...

Nên tránh tặng những đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như tặng cà vạt là một điều rất khó, vì ta không thể nào đoán được sở thích người nhận.

Đối với khách viếng thăm từ nước ngoài thì một bức sơn mài,một tấm tranh tượng, đồ gốm của nghệ nhân Việt Nam (với mẫu mã và chất lượng rất cao), sách bìa dày tiếng Anh với nhiều hình ảnh về VN để chưng ở bàn, đều là những món quà có ý nghĩa và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên nên để ý tránh những vật quá nặng, cồng kềnh và dễ bể vì rất phiền toái cho khách phải mang về nước./.

(Sưu tầm)
Không có nhận xét nào
Tags:

15 tháng 6, 2012

Nhận thức Nhà quản lý


Một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc nộp đơn dự tuyển vào vị trí quản lý cấp thấp tại một Tập đoàn lớn. Anh ta vượt qua các vòng đầu tiên. Đến vòng cuối cùng, đích thân CEO phỏng vấn để đưa ra quyết định cuối cùng. Người CEO rất ấn tượng với CV của chàng trai trẻ khi trong suốt các năm học, anh ta luôn đạt thành tích học tập một cách xuất sắc.

“Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không“, vị CEO hỏi.

“Không bao giờ“, chàng trai trả lời.

Vị CEO bèn hỏi tiếp,

”Vậy là cha anh đã trả toàn bộ học phí cho anh phải không?”.

Chàng trai trẻ trả lời:

” Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác”.

“Vậy mẹ anh làm việc ở công ty nào?“

Chàng trai trẻ trả lời:

“Mẹ tôi làm công việc giặt quần áo“.

Người CEO im lặng một lúc. Sau đó, ông đề nghị chàng trai trẻ đưa hai bàn tay ra cho ông xem. Hai bàn tay chàng trai khá đẹp và mềm mại.

“Trước đây, có bao giờ anh giúp đỡ mẹ anh trong việc giặt quần áo chưa?“.

“Thưa ngài, xin thú thực là tôi chưa bao giờ“, chàng trai trả lời,

“Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ muốn tôi học và đọc thật nhiều sách. Hơn nữa, mẹ bảo mẹ có thể giặt quần áo nhanh hơn tôi. Tôi động vào chỉ khiến công việc của bà chậm lại”

Vị CEO nghe xong liền nói:

“Tôi có một yêu cầu. Hôm nay lúc anh về nhà, hãy đi và rửa hai bàn tay của mẹ anh. Rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày hôm sau”.

Qua ánh mắt và giọng nói của người CEO, chàng trai trẻ cảm giác rằng cơ hội trúng tuyển của mình chắc rất cao. Anh vui vẻ về nhà gặp mẹ và nói với bà hãy để anh ra rửa hai bàn tay của bà ngày hôm nay. Bà mẹ nghe vậy cảm thấy rất lạ, trong lòng bà khi ấy dấy lên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Bà đưa hai bàn tay mình ra cho con trai mình. 

Chàng trai trẻ chầm chậm rửa sạch bàn tay của mẹ mình. Từng giọt nước mắt của chàng trai rơi xuống khi anh ta thực hiện công việc của mình. Lần đầu tiên chàng trai nhận ra rằng đôi bàn tay của mẹ thật nhăn nheo, hơn nữa chúng còn chằng chịt những vết sẹo và chai sạn. Những vết sẹo này hẳn từng rất đau đớn vì chàng trai cảm nhận được mẹ khẽ rùng mình mỗi khi anh rửa chúng trong nước. Đây cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ nhận ra rằng chính đôi bàn tay này hàng ngày làm công việc giặt quần áo để có thể trang trải đủ tiền học phí của anh ta suốt thời gian anh ta đến trường học. Những vết sẹo trên đôi bàn tay của bà mẹ cũng là cái giá cho kết quả đậu tốt nghiệp, cho những bảng điểm xuất sắc và cho cả tương lai của anh.

Sau khi rửa sạch đôi bàn tay của mẹ, chàng trai trẻ lặng lẽ giặt nốt luôn chỗ quần áo còn lại trong ngày. Tối hôm đó, bà mẹ và chàng trai đã nói chuyện với nhau rất lâu.

Sáng ngày hôm sau, chàng trai trẻ quay lại nơi phỏng vấn. Vị CEO nhận thấy một đêm dài không ngủ trên đôi mắt của chàng trai. Ông hỏi:

“Anh có thể cho tôi biết anh đã làm gì và học được những gì ở nhà của anh ngày hôm qua không?”

Chàng trai trả lời:

“Tôi đã rửa đôi bàn tay của mẹ tôi, và tôi cũng đã giặt nốt chỗ quần áo còn lại.”

Vậy hãy cho tôi biết cảm giác của anh như thế nào?

Chàng trai trẻ bèn trả lời trong nước mắt:

“Thứ nhất: Tôi thấu hiểu thêm những gì tôi đã có được nhờ có mẹ ngày hôm nay.

Thứ hai: Tôi hiểu được kiếm tiền vất vả đến như thế nào.

Thứ ba: Tôi đã nhận thức được sự quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình.”

Vị CEO nói:

“Đó chính xác là những gì tôi cần tìm ở một nhà quản lý, hoặc một người trong tương lai sẽ ở cấp quản lý cao hơn của Tập đoàn này. Tôi muốn tìm những ứng viên có thể nhận thức được sự giúp đỡ của những người khác, người có thể hiểu được sự khó nhọc của người khác khi hoàn thành một công việc nào đó, và là người không đặt tiền bạc là mục đích sống duy nhất của mình.

Và còn nữa, xin chúc mừng anh. Anh đã được tuyển.

Sưu tầm : Phan Tuấn Nam
Không có nhận xét nào
Tags:

04 tháng 5, 2012

Những khái niệm về tài chính doanh nghiệp

A. Tài chính doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt tới mục tiêu nhất định. Tài chính doanh nghiệp là một bộ phận trong hệ thống tài chính, tại đây nguồn tài chính xuất hiện và đồng thời đây cũng là nơi thu hút trở lại phần quan trọng các nguồn tài chính doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến sự phát triển hay suy thoái của nền sản xuất.

B. Doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh nhằm mục đích sinh lời được pháp luật thừa nhận, được phép kinh doanh trên một số lĩnh vực nhất định, có từ một chủ sở hữu trở lên, có tên gọi riêng, có trụ sở giao dịch ổn định.

Đối với các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải có các yếu tố cần thiết: tư liệu lao động, đối tượng lao động và sức lao động, từ đó đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có một lượng tiền tệ nhất định. Do vậy, doanh nghiệp phải hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ. Quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ đó.

C. Tài sản của doanh nghiệp

1. Tài sản cố định

Tài sản cố định là những tư liệu lao động chủ yếu trong doanh nghiệp mà đặc điểm của chúng là có giá trị lớn và thời gian sử dụng dài được sử dụng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các loại tài sản cố định: việc sắp xếp tài sản cố định thành từng loại, từng nhóm theo những đặc điểm nhất định để thuận tiện cho công tác quản lý và hạch toán tài sản cố định. Hiện nay tài sản cố định thường được phân ra theo các đăc trưng sau:

* Theo hình thái biểu hiện: Tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.

* Theo quyền sở hữu: Tài sản cố định tự có và tài sản cố định đi thuê.

* Theo công dụng: Tài sản cố định dùng cho sản xuất kinh doanh, tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, tài sản cố định bảo quản hộ.

2. Tài sản lưu động

Tài sản lưu động là một nguồn tài sản của doanh nhiệp thường có sự quay vòng nhanh hơn nhiều so với tài sản cố định. Việc quản lý tài sản lưu động là rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Nguồn vốn hình thành tài sản của doanh nghiệp

Để thành lập một doanh nghiệp và tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài sản và nguồn vốn hình thành tài sản đó là điều kiện không thể thiếu, nó phản ánh nguồn lực tài chính được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp người ta chú ý đến việc quản lý việc huy động và luân chuyển của vốn.

D. Các nguồn vốn của một doanh nghiệp:
1. Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu của chủ doanh nghiệp là khoản đầu tư ban đầu khi thành lập doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, nguồn vốn tự có là vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đối với công ty cổ phần hoặc công ty tnhh, nguồn vốn ban đầu do các cổ đông hoặc thành viên đóng góp để hình thành công ty. Đối với các Công ty cổ phần,vốn kinh doanh có thể huy động thêm từ việc phát hành cổ phiếu. Công ty TNHH không thể phát hành cổ phiếu mà chỉ có thể phát hành trái phiếu.
Vốn vay

Ngoài phần vốn tự có của doanh nghiệp (vốn góp) thì nguồn vốn vay có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể đáp ứng các nhu cầu về vốn trong ngắn hạn hoặc dài hạn, có thể huy động được số vốn lớn, tức thời. Tuy nhiên, sử dụng vốn vay phải hết sức chú ý đến cơ cấu vốn của doanh nghiệp, kế hoạch sử dụng vốn phải đảm bảo hợp lý, đúng mục đích; quản lý tốt quỹ tiền mặt, kỳ trả nợ và kỳ thu tiền, kế hoạch sản xuất kinh doanh phải được lập bám sát thực tế... nếu không vốn vay sẽ trở thành một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

2. Vốn chiếm dụng

Vốn chiếm dụng của nhà cung cấp (Tín dụng thương mại): Đây cũng là một nguồn vốn tương đối quan trọng trong doanh nghiệp. Nguồn vốn này xuất phát từ việc doanh nghiệp chiếm dụng tiền hàng của nhà cung cấp (trả chậm), việc chiếm dụng này có thể phải trả phí (lãi) hoặc không phải trả phí nhưng lại đáp ứng được việc doanh nghiệp có nguyên vật liệu, điện, nước,... để sản xuất kinh doanh mà chỉ phải bỏ ra ngay lập tức một số tiền ít hơn số tiền đáng lẽ phải bỏ ra ngay lập tức để có được số nguyên vật liệu, điên, máy móc,... để tiến hành sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ tiền mặt của mình cho mục đích khác. Tuy nhiên, sử dụng nguồn vốn này cần lưu ý: không nên chiếm dụng quá nhiều hoặc quá lâu một khoản nợ nào đó vì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp với đối tác, với thị trường hoặc kiện tụng pháp luật, tốt nhất nên có sự thoả thuận về việc chiếm dụng vốn.

3. Nguồn vốn khác

Nguồn vốn khác: ví dụ lợi nhuận để lại, lương cán bộ công nhân viên chậm thanh toán,....
Đặc điểm, vai trò, nguyên tắc tổ chức tài chính doanh nghiệp
Đặc điểm của tài chính doanh nghiệp:

* Gắn liền với quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có các quan hệ tài chính doanh nghiệp đa dạng phát sinh: quan hệ nộp, cấp phát giữa doanh nghiệp và nhà nước; quan hệ thanh toán với các chủ thể khác trong xã hội, với người lao động trong doanh nghiệp.

* Sự vận động của các quỹ tiền tệ, vốn kinh doanh có những nét riêng biệt - Sự vận động của vốn kinh doanh luôn gắn liền với các yếu tố vật tư và lao động, ngoài phần tạo lập ban đầu chúng còn được bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh, sự vận động của vốn kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận.

E. Vai trò của tài chính doanh nghiệp

* Tài chính doanh nghiệp là công cụ huy động đầy đủ và kịp thời các nguồn tài chính nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

* Tài chính doanh nghiệp có vai trò trong việc tổ chức sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả.

* Tài chính doanh nghiệp có vai trò là đòn bẩy kích thích và điều tiết sản xuất kinh doanh.

* Tài chính doanh nghiệp là công cụ giám sát, kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

F. Nguyên tắc tổ chức tài chính doanh nghiệp

* Nguyên tắc tôn trọng pháp luật;

* Nguyên tắc hạch toán kinh doanh;

* Nguyên tắc giữ chữ tín;

* Nguyên tắc an toàn phòng ngừa rủi ro.

G. Hoạt động của tài chính doanh nghiệp
Quản lý và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp
- Vốn kinh doanh:
Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản hữu hình và tài sản vô hình được đầu tư vào kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

- Đặc trưng của vốn kinh doanh

* Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là một quỹ tiền tệ đặc biệt, vì nó nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh (tức là nhằm mục đích tích lũy);

* Vốn kinh doanh của doanh nghiệp có trước khi diễn ra hoạt động sản xuất kinh doanh;

* Vốn kinh doanh của doanh nghiệp phải đạt tới mục tiêu sinh lời và luôn thay đổi hình thái biểu hiện, nó vừa tồn tại dưới hình thái vật tư hoặc tài sản vô hình, nhưng kết thúc vòng tuần hoàn phải là hình thái tiền.

H. Sự khác nhau giữa tiền và vốn

Tiền chỉ được gọi là vốn kinh doanh khi nó thỏa mãn các điều kiện:

* Tiền phải đại diện cho một lực lượng hàng hóa nhất dhđịnh (phải được đảm bảo bằng một lượng tài sản có thực);

* Tiền phải được tích tụ và tập trung đến một lượng nhất định, đủ sức để đầu tư cho một dự án kinh doanh;

* Khi đã đủ về số lượng, tiền phải được vận động nhằm mục đích sinh lời.

I. Đầu tư vốn kinh doanh

Căn cứ vào mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, vốn đầu tư được đồng nghĩa với vốn kinh doanh. Đó là số vốn được dùng vào kinh doanh trong một lĩnh vực nhất định nhằm mục đích sinh lời. Đầu tư vốn kinh doanh là hành động chủ quan có cân nhắc của người quản lý trong việc bỏ vốn vào một mục tiêu kinh doanh nào đó với hy vọng sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế cao trong tương lai. Việc bỏ vốn vào một mục tiêu kinh doanh nào đó nhằm mục đích thu lợi nhuận, thì được gọi là đầu tư vốn kinh doanh. Thực tế khả năng sinh lời thường đi đôi với rủi ro, lợi nhuận nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Do vậy, nhà đầu tư cần thiết phải lựa chọn hướng đầu tư thích hợp nhằm còn tránh rủi ro có thể xảy ra - Phương án đầu tư thích hợp. Cụ thể:

1. Theo phạm vi đầu tư:
* Đầu tư vào bên trong doanh nghiệp:
o Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm tạo ra tài sản cố định cho doanh nghiệp;
o Đầu tư vốn lưu động: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, công cụ sản xuất, tiền mặt...
* Đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp.

2. Theo mục tiêu đầu tư cụ thể của doanh nghiệp:
* Đầu tư cho việc tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp;
* Đầu tư đổi mới sản phẩm;
* Đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ;
* Đầu tư để mở rộng tiêu thụ sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh;
* Đầu tư tài chính ra bên ngoài.

K. Nguồn vốn kinh doanh

1. Vốn chủ sở hữu;
2. Vốn tự bổ sung;
3. Vốn liên doanh;
4. Vốn tín dụng.

L. Sử dụng và bảo toàn vốn kinh doanh

1. Vốn cố định:
* Vốn cố định của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp.

* Tài sản cố định (TSCĐ) của doanh nghiệp là những tư liệu lao động có giá trị lớn, thời gian sử dụng dài. TSCĐ của doanh nghiệp có thể chia thành hai loại:

o TSCĐ hữu hình: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

o TSCĐ vô hình: tài sản không có hình thái vật chất cụ thể (bằng sáng chế, phát minh, bản quyền, phần mềm...).

* Đặc điểm TSCĐ:
o Trong quá trình sản xuất kinh doanh, TSCĐ không thay đổi hình thái hiện vật, nhưng năng lực sản xuất và giá trị của chúng bị giảm dần - Hao mòn. Có hai loại hao mòn, hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Hao mòn hữu hình là hao mòn có liên quan đến giảm giá trị sử dụng của TSCĐ. Hao mòn vô hình lại liên quan tới việc mất giá của TSCĐ.

o TSCĐ hữu hình thường bị cả hai loại hao mòn hữu hình và vô hình; còn TSCĐ vô hình thì chỉ bị hao mòn vô hình.

* Đặc điểm của vốn cố định:
o Vốn cố định tham gia nhiều chu kỳ sản xuất sản phẩm và chuyển dần từng phần vào giá thành sản phẩm tương ứng với phần hao mòn của TSCĐ.
o Vốn cố định được thu hồi dần từng phần tương ứng với phần hao mòn của TSCĐ, đến khi TSCĐ hết thời gian sử dụng, giá trị của nó được thu hồi về đủ thì vốn cố định mới hoàn thành một vòng luân chuyển.

* Phương thức bù đắp và quản lý vốn cố định:
o Vốn cố định được thu hồi bằng biện pháp khấu hao - trích một phần giá trị hao mòn của TSCĐ. Tiền trích lại đó hình thành nên quỹ khấu hao.

o Việc quản lý vốn cố định luôn gắn liền với việc quản lý hình thái hiện vật của nó là các TSCĐ của doanh nghiệp - Quản lý cả về mặt giá trị (quản lý quỹ khấu hao) và mặt hiện vật (quản lý theo những tiêu thức khác nhau) TSCĐ của doanh nghiệp.

* Bảo toàn và phát triển vốn cố định:

o Bảo toàn vốn cố định về mặt hiện vật không chỉ là giữ nguyên hình thái vật chất mà còn duy trì thường xuyên năng lực sản xuất ban đầu của nó.

o Bảo toàn vốn cố định về mặt giá trị là phải duy trì được sức mua của vốn cố định ở thời điểm hiện tại so với thời điểm bỏ vốn đầu tư ban đầu bất kể sự biến động của giá cả, tỷ giá hối đoái, phát triển khoa học - công nghệ.

2. Vốn lưu động:
* Vốn lưu động là biểu hiện bằng tiền toàn bộ tài sản lưu động (TSLĐ) của doanh nghiệp phục vụ cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

* TSLĐ của doanh nghiệp là những đối tượng lao động được sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. TSLĐ của doanh nghiệp được chia thành hai loại:

o TSLĐ sản xuất: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, sản phẩm dở dang...

o TSLĐ lưu thông: sản phẩm thành phẩm chờ tiêu thụ, các loại vốn bằng tiền, vốn trong thanh toán, chi phí trả trước...

* Đặc điểm của vốn lưu động: Đặc điểm của TSLĐ đã chi phối đến đặc điểm của vốn lưu động. Vốn lưu động chuyển một lần toàn bộ vào giá thành sản phẩm mới được tạo ra. Vốn lưu động được thu hồi một lần toàn bộ sau khi bán hàng và thu tiền về; lúc đó kết thúc một vòng tuần hoàn của vốn.

* Quản lý và sử dụng vốn lưu động: muốn quản lý hiệu quả vốn lưu động thì phải quản lý trên tất cả các hình thái biểu hiện của vốn; cần phải tiến hành phân loại vốn lưu động theo các tiêu thức khác nhau.

* Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động:

o Xác định đúng nhu cầu vốn lưu động thường xuyên cần thiết để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được liên tục, tiết kiệm với hiệu quả kinh tế cao.

o Đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn ở mọi khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ.

o Áp dụng các biện pháp bảo toàn vốn như xử lý các vật tư ứ đọng, hàng hóa chậm luân chuyển, ngăn chặn chiếm dụng vốn,...

o Thường xuyên phân tích tình hình sử dụng vốn lưu động để có biện pháp điều chỉnh.

3. Vốn đầu tư tài chính:
* Vốn đầu tư tài chính là một bộ phận vốn kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư dài hạn ra bên ngoài nhằm mục đích sinh lời.

* Hình thức đầu tư tài chính ra bên ngoài: mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp khác, góp vốn liên doanh,...

- Chi phí sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp
- Chi phí sản xuất kinh doanh

Chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của các yếu tố chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định.

Chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra bao gồm chi phí cho việc sản xuất sản phẩm, chi phí tổ chức tiêu thụ sản phẩm và những khoản tiền thuế gián thu nộp cho nhà nước theo quy định của pháp luật (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,...).
Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp

Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ chi phí của doanh nghiệp để hoàn thành việc sản xuất và tiêu thụ một loại sản phẩm nhất định.

Giá thành sản phẩm của doanh nghiệp biểu hiện chi phí cá biệt của doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có sự giống nhau và khác nhau.

* Chi phí sản xuất hợp thành giá thành sản phẩm, nhưng không phải toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ đều được tính vào giá thành sản phẩm.
* Chi phí sản xuất và tiêu thụ thể hiện số chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để sản xuất và tiêu thụ trong một thời kỳ nhất định.
* Giá thành sản phẩm chỉ biểu hiện lượng chi phí để hoàn thành việc sản xuất và tiêu thụ một đơn vị sản phẩm hay một khối lượng sản phẩm.

M. Vai trò quan trọng của giá thành

* Giá thành là thước đo mức chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, là căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Giá thành là một công cụ quan trọng của doanh nghiệp để kiểm soát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, xem xét hiệu quả các biện pháp tổ chức, kỹ thuật.
* Giá thành là một căn cứ quan trọng để doanh nghiệp xây dựng chính sách giá cả đối với từng loại sản phẩm.

Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp
Doanh thu của doanh nghiệp

Doanh thu của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp thu được nhờ đầu tư kinh doanh trong một thời kỳ nhất định. Doanh thu của doanh nghiệp bao gồm các khoản sau:

* Doanh thu tiêu thụ sản phẩm - đây là bộ phận chủ yếu trong tổng doanh thu của doanh nghiệp;
* Doanh thu từ các hoạt động liên doanh, liên kết, đầu tư tài chính;
* Doanh thu khác, như nhượng bán vật tư ứ đọng, các khoản tiền được bồi thường, khoản nợ vắng chủ hay nợ không ai đòi,...

N. Lợi nhuận của doanh nghiệp

Lợi nhuận của doanh nghiệp là khoản tiền chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để đạt được doanh thu đó từ các hoạt động của doanh nghiệp mang lại. Lợi nhuận của doanh nghiệp bao gồm:

* Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
* Lợi nhuận từ các hoạt động khác như liên doanh, liên kết;
* Lợi nhuận từ các dịch vụ tài chính.

O. Trình tự phân phối lợi nhuận

* Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước;
* Nộp tiền thu sử dụng vốn ngân sách nhà nước (nếu có);
* Trả các khoản tiền bị phạt, bồi thường;
* Trả các khoản lỗ;
* Trả lợi tức cổ phiếu, trái phiếu, lợi tức cho các bên tham gia liên doanh, liên kết;
* Bù đắp bảo toàn vốn của doanh nghiệp;
* Trích lập các quỹ chuyên dùng của doanh nghiệp: quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi. 

(Nguồn Taichinhdoanhnghiep.com)
1 nhận xét
Tags: