Quy định mới về đối tượng mua hoá đơn của cơ quan thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2014
Thông tin:
(Kế toán 7E) - Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP thì tổ chức kinh
doanh, cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh là nộp thuế GTGT theo
phương pháp khấu trừ) được đặt in hóa đơn để sử dụng cho các hoạt động
bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Quá trình thực hiện có sự lợi dụng của một số doanh nghiệp đặt in hóa
đơn không nhằm mục đích “kinh doanh chân chính” mà nhằm mục đích “mua,
bán” hóa đơn để tiếp tay cho các doanh nghiệp khác nhằm chiếm đoạt tiền
thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ngày 31/03/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2014/TT-BTC
hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2014 và Nghị định
số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hoá đơn bán
hàng hoá, cung ứng dịch vụ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2014,
trong đó có các quy định cụ thể rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho cả Người
nộp thuế và Cơ quan thuế.
Đặc biệt, Thông tư số 39/2014/TT-BTC có một số sửa đổi, bổ sung nhằm
phòng chống nạn gian lận trong việc đặt in hóa đơn. Đó là việc đã quy
định rõ hơn các đối tượng được đặt in hóa đơn, đồng thời cũng có quy
định để tăng cường các biện pháp quản lý như: quy định các doanh nghiệp
trước khi đặt in hóa đơn lần đầu và trước khi sử dụng hóa đơn tự in,
doanh nghiệp phải có văn bản gửi cơ quan thuế và phải được sự chấp thuận
của cơ quan thuế; quy định các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về quản
lý, sử dụng hóa đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế và các doanh
nghiệp có rủi ro cao theo quy định của pháp luật về quản lý thuế không
được đặt in hóa đơn mà sẽ chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế trong
thời hạn 12 tháng.
Thông tư thu hẹp các đối tượng được đặt in hóa đơn, mở rộng các đối
tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế. Tại Điều 11 của Thông tư quy định
đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế, bao gồm:
1. Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh
(bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là
các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt
động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
2. Hộ, cá nhân kinh doanh;
3. Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.
4. Doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế
- Doanh nghiệp đang sử dụng hoá đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro
cao về thuế là các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có
một trong các dấu hiệu sau:
+ Không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất
sau: nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và
các cơ sở vật chất khác.
+ Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi.
+ Doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
+ Doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
cho các doanh nghiệp khác mà chủ các doanh nghiệp này có mối quan hệ cha
mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm
tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên Tờ khai quyết toán
thuế TNDN của năm quyết toán.
+ Doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế theo quy định: Không nộp
hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời
hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh
theo giấy phép đăng ký kinh doanh; nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông
báo tạm nghỉ kinh doanh với cơ quan thuế và cơ quan thuế kiểm tra xác
nhận doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai thuế; không
còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không
khai báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế kiểm tra không xác định được
nơi đăng ký thường trú, tạm trú của người đại diện theo pháp luật, chủ
doanh nghiệp.
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị khởi tố về tội
trốn thuế, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu
nộp ngân sách nhà nước.
+ Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có sự thay đổi địa
chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng mà không khai báo
theo quy định hoặc không kê khai, nộp thuế ở nơi đăng ký mới theo quy
định.
+ Doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường khác theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế của cơ quan thuế.
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm lập danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế.
5. Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm
về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận
thuế.
Thời điểm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in của doanh nghiệp
được tính từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn
thuế, gian lận thuế có hiệu lực thi hành. Khi ban hành Quyết định xử
phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan
thuế ghi rõ tại Quyết định xử phạt thời điểm doanh nghiệp không được sử
dụng hóa đơn tự in, đặt in mà phải chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan
thuế.
Quy định mới về hóa đơn sẽ giúp các tổ chức cá nhân thuận tiện hơn
trong việc in, phát hành hóa đơn, đồng thời phần nào hạn chế tình trạng
các doanh nghiệp không có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng
lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn để trục lợi, chiếm đoạt tiền thuế
của nhà nước, từ đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các
doanh nghiệp.
TCT
Đăng nhận xét